[VIẾT] #3 Đọc gì để lấy (lại) động lực học tập
- muidaugio.com
- May 17, 2024
- 7 min read
Đọc gì để lấy (lại) động lực học tập? Vài điều ngẫm nghĩ sau khi đọc cuốn sách Búp Sen Xanh - Sơn Tùng, NXB Kim Đồng. (Có thể gọi là review sách Búp Sen Xanh chăng?)

(h04) Bầu trời Sài Gòn trong chiều hoàng hôn đầu năm
“Một chữ là một con mắt. Người không có chữ trong đầu là người mù giữa thế gian.”
“Cháu giữ bền được cái chí học thì ắt sẽ làm nên đó.”
Làm thế nào mà một đứa trẻ chịu nhiều đau thương, cơ cực, mà vẫn giữ được ý chí ham học, chịu thương chịu khó và tấm lòng tử tế đến như vậy?
Có lẽ là do tình thương yêu dành cho đứa trẻ ấy. Tình thương yêu từ ai cũng được, người nhà cũng được, người ngoài nhà cũng được, cảnh vật cũng được, miễn là còn, miễn là có. Chỉ cần là một câu nói, một ý nghĩ, một hình ảnh mang ý niệm yêu thương, chở che, quan tâm, quý mến, thì mọi điều tưởng chừng “đen đúa” cũng chỉ hóa “tấm đệm” để đứa trẻ "luyện tập bật xa" hơn trên con đường đời phía trước.
Cha em mất sớm, mẹ nuôi em một mình. Rồi mẹ em cũng mất, khi em vẫn còn quá nhỏ. Mà may sao em vẫn còn một người anh trai cùng cha khác mẹ cưu mang em. “Cha chết. Mẹ lại chết… mới hơn bốn tuổi đầu về ở với người anh cùng cha khác mẹ, lòng trống trải, mắt ngơ ngác, xa lạ với tất cả”. Từ “lại” ý chỉ sự lặp lại thêm một lần nữa, tổng là hai lần, nhưng đọc từ “lại” trong câu chỉ vỏn vẹn ba chữ “Mẹ lại chết” mà hình dung ra được vết cứa được lặp lại liên tục thêm hàng ngàn lần vào vào trái tim bé bỏng của em.
Em đến ở với anh và chị dâu đêm đầu tiên nhưng mà “cứ ngỡ là ở bãi hoang”, thỉnh thoảng em khóc thét lên gọi mẹ. Người anh thì dỗ dành ôm em ngủ, người chị dâu thì nạt nộ, cằn nhằn: “Nó không ngủ thì cho nó đi ra cồn để ma nó bắt”. Sợ chị, em “nhắm nghiền mắt nằm im thin thít”. Nhưng mà em đã ngủ ngay được đâu, một chốc lát khi người anh rón rén dậy, em choàng dậy và một khung cảnh đau đớn xé lòng người đọc được miêu tả chỉ trong chín dòng văn. Phần này mình không thể trích lại vì chỉ đọc thôi đã thấy nghẹn lòng, khó thở huống chi là gõ từng từ từng chữ bằng chính tay mình. Khó gõ lại lắm!
Cha em mất đã dặn dò vợ chồng người anh phải chăm lo cho em “có năm ba chữ thánh hiền”. Ước nguyện của người cha đã thành sự thật. Người anh trai “bưng cơi trầu, chai rượu” “đưa em đến nhà thầy xin học”. Sự ham học, thông minh đã khiến thầy phải chú ý đến. Và cũng từ thầy, lời động viên, khích lệ khiến em tự tin hơn như “một ánh chớp mở vào thế giới tuổi thơ” của em.
Ngoài sự thông minh trong học tập, em còn chăm chỉ việc nhà giúp đỡ chị dâu. “Em đi học chữ nho ngày một buổi; học về, em đi chăn bò, cắt cỏ”. Có lần, em vừa đun cám lợn, vừa “dùng que củi than tập viết lên nền nhà” mà quên khuấy mất nồi cám heo đang đun, khiến cho nồi bị khê nặc. Chị dâu thấy thế “hất cả rổ rau chuối vừa cắt vào người” và “mắng té tát”: “Đồ mặt nạc đóm dày. Cháy nồi của tau rồi. Học với hành, chữ với nghĩa chi cái thứ mi…!”… Nhưng em biết mình sai, mình có lỗi vì đã quên canh nồi cám đang đun nên chỉ “bặm môi chịu chửi, không khóc, không tỏ vẻ khó chịu với chị”. Em còn “nhận ra tính khí của người chị dâu nóng, phàm miệng nhưng miếng ăn thì nhường nhịn cho chồng, cho em”. Nồi cơm được chị chia ra ba bát đầy cho chồng, hai bát vừa cho em và một bát đầy vét cháy cho chị. Có câu rằng: “Đứa trẻ hiểu chuyện thường không có kẹo ăn”. Đâu có! Em vẫn có kẹo bánh ăn đấy, bởi em có bạn bè quan tâm, yêu mến em. Biết em thiếu thốn hơi ấm của bố mẹ, bạn bè em “mỗi khi có quà bánh đều để phần đem đến lớp” cho em.
- “Các cậu cho mình nhiều thứ, mình nỏ có chi cả!”
- “Đừng nghĩ ngợi có hay không có cái chi đối đãi nhau, nhà tụi mình đầy đủ hơn nhà Sắc mà.”
“Được thầy khích lệ, được bạn an ủi”, chịu thương chịu khó nhiều chút có sá chi đâu, nhỉ?
Có một đoạn tả cảnh “study vibe” mà mình rất thích, không chỉ vì cảnh sắc mơ mộng, mát lành mà vì lúc đó, một mối nhân duyên đã mở ra con đường học vấn cũng như đời sống sau này của em được xán lạn hơn.
“Một buổi chiều sau tết Nguyên đán. Mưa xuân lâm thâm. Gió se se lạnh. Nguyễn Sinh Sắc đội nón mê, khoác tơi lá nằm tùm hum trên lưng trâu ở cánh đồng Dăm Quan. Con trâu mải miết gặm cỏ. Sắc say mê học bài. Sợ bụi mưa thấm vào trang sách, Sắc nghiêng nghiêng mái nón che phía gió thổi.”
Em thiếu tình yêu thương trực tiếp từ cha mẹ, nhưng có đủ con chữ thánh hiền để có duyên “về nhập thân vào nhà thầy tú Hoàng Xuân Đường”. Vợ chồng thầy nuôi nấng em, cho em ăn học, cho em con chữ thánh hiền như đúng tâm nguyện trước lúc lâm chung của người cha. Rồi theo thời gian, em lớn lên, trở thành cậu thanh niên, lập gia đình với người con gái đầu lòng của cha nuôi. Một mái nhà ấm áp có cả cha và mẹ, vợ và các con, tuổi thơ thiếu thốn của anh dường như đang được bù đắp lại.
Anh có một người con thứ ba, sau khi bàn bạc với cha về việc đặt tên cho đứa trẻ:
“tên là Côn, tự là Tất Thành”
“Côn… Ấy là tích loài cá hóa chim bằng”
“thằng bé sẽ có chí vẫy vùng bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công. Cho nên tự Tất Thành.”
“Hương trầm, hương sen như tỏa khắp gian nhà và tụ hội vào ngọn bút Nguyễn Sinh Sắc đang nắn nót dòng chữ NGUYỄN SINH CÔN, tự TẤT THÀNH.”
Bé Côn, sự tiếp nối của người cha, về ý chí ham học hỏi, về đức tính chăm chỉ lao động, về tấm lòng quan tâm, chăm sóc mẹ, em út và bà ngoại, và về cả nỗi đau khi lần lượt chứng kiến người thân của em ra đi. Mẹ em sau khi sinh em út sức khỏe suy sụp rất nhanh. Cha vắng nhà lên đường đi chấm thi Hương, em phải ở nhà một mình chăm sóc mẹ và em út. “Với cái tuổi lên mười, Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, chăm sóc bệnh tình mẹ. Hằng ngày, Côn còn phải bế em sang nhà hàng xóm xin những bà mẹ đang nuôi con thơ cho em được bú nhờ”.
[Ôi trời ơi gõ đến đây mình hơi khóc rồi, phải tạm ngưng một tí :’<]
Tên của em là Côn, Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành. Như đúng ý nguyện và ý nghĩa của cái tên em được ông ngoại và cha đặt cho, em ham học, chăm chỉ, suy nghĩ sâu sắc, hiểu chuyện ngay từ bé, em được đi đây đó, để cảm nhận, học hỏi, để có thể bước vào một vùng trời rộng lớn cho em vẫy vùng. Và vẫn như là ý nguyện và ý nghĩa của cái tên, em lớn lên, trưởng thành, trở thành cậu thanh niên làm đủ mọi vai trò, từ người thầy giáo được mọi người kính trọng, “thưa”, “bẩm”, đến người anh, người chú chẳng ngại ngần chăm sóc những em bé nhà nghèo ở xóm biển tắm rửa khi ba mẹ bận đi làm chài. Đến cả làm “cu li” bốc vác khiến ai gặp anh cũng ngỡ ngàng, bất ngờ. Ban ngày làm cu li, ban tối anh là người thầy dạy chữ cho anh em. Anh dạy họ con chữ vì “Một chữ là một con mắt. Người không có chữ trong đầu là người mù giữa thế gian”. Và tiếp tục như ý nghĩa của cái tên, anh tìm đường đi ra nước ngoài, anh chọn con đường bôn ba với hai bàn tay. Anh đi để hiểu, để biết, để tìm ra con đường giúp đồng bào không còn chịu đựng đời sống khổ hạnh, thiếu thốn và bất công nữa…
Ham học con chữ từ khi bé tí, mở rộng vốn kiến thức bằng tiếng Tây, sách báo nước ngoài, lao động tri thức hay lao động chân tay, làm cu li bốc vác hay thầy giáo được mọi người kính nể, là người bạn nghĩa tình, là người dân tử tế, tất cả đều được hoàn thành. Vậy thì có lý do gì để ngay lúc này, mình kiếm cớ lười nhác học hành?
“Chúng ta sống bằng bàn tay, bằng cái đầu của chúng ta.”
_
Để đọc được một cuốn sách, cũng phải có cơ duyên dẫn đến. Mình biết đến tên cuốn sách nhờ ngẫu nhiên đọc được một bài post trên Facebook. Nhưng phải một thời gian khá dài sau đó, mình mới được ngẫu nhiên nhìn thấy cuốn sách trong một tiệm sách cũ cũng là ngẫu nhiên tìm đến. Và bạn, chắc chắn cũng ngẫu nhiên đọc được bài viết này của mình. Cảm ơn bạn và hy vọng chút ít chữ nghĩa của mình có thể gợi ý cho bạn được điều gì đó hay ho, giá trị.
Chúc sức khỏe và luôn vui tươi!
_
Thông tin về cuốn sách mình đọc:
Búp Sen Xanh - Sơn Tùng NXB Kim Đồng Tái bản lần thứ 22, năm 2013 Trong một ngày đội nắng trưa đi đến Tiệm sách cũ An Nhiên (466A Minh Phụng, P.9, Q.11, Sài Gòn) để mang tri thức về đội lên đầu. | ![]() |
Nếu bạn muốn mua đọc thì đây: Link Shopee
(Khi bạn mua qua link bên dưới, mình sẽ nhận được tiền hoa hồng (vài nghìn đồng), nhưng nếu bạn không muốn, có thể gõ tên tìm kiếm là được ó)
https://shope.ee/oOlTbj6N (Búp Sen Xanh - Sơn Tùng - Nhà sách Fahasa)
https://shope.ee/VkfMWfOIH (Sách tiếng Anh: The Green Lotus Bud - Búp Sen Xanh - Sơn Tùng - Nhà sách Fahasa)
Breath and Peace,
TT
Comments